DU HỌC NEW ZEALAND
Hai biểu tượng đầy ý nghĩa của New Zealand
New Zealand là một nước phát triển nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương. Diện tích tương đương với Việt Nam, nhưng dân số chỉ vỏn vẹn khoảng 4 triệu người. Đứng trong top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
New Zealand nổi tiếng thế giới với màu xanh ngút ngàn của những dãy núi kỳ vĩ trải dài, những bãi biển nên thơ, bầu trời trong xanh cao vời vợi…Vẻ thanh bình, yên ả, trong lành của thiên nhiên nơi đây luôn là điểm cuốn hút đặc biệt, khiến ai một lần đến đây đều quyến luyến. Có lẽ vì ngày ngày được hít thở thứ không khí trong lành tuyệt với ấy, được thỏa sức tận hưởng những ưu đãi của tự nhiên đó mà con người New Zealand cũng hiền hòa, phóng khoáng và quá đỗi thân thiện.
Có lẽ luôn gần gũi và gắn bó với thiên nhiên, nên hai biểu tượng của New Zealand cũng vô cùng đặc biệt: lá dương xỉ bạc và chim kiwi. Đây là hai biểu tượng có ý nghĩa và gắn bó chặt chẽ đến đời sống tinh thần của người dân xứ sở này.
Lá dương xỉ bạc
Lá dương xỉ – Biểu tượng của đất nước New Zealand
Dương xỉ bạc theo tiếng Maori là ‘kaponga’ hay ‘ponga’, là một loài thuộc họ dương xỉ đặc thù của New Zealand. Loài dương xỉ này có thể phát triển lên đến độ cao 10m, lá dài khoảng 4m, mặt dưới lá có thể tỏa sáng ngay trong đêm tối. Ngoài ra, loại thực vật này chịu được điều kiện khô khan, khắc nghiệt, cây luôn tìm cách vươn lên, không chịu đứng dưới tán lá của các cây khác trong rừng.
Điểm nổi bật khiến người dân New Zealand tôn sùng loài dương xỉ này xuất phát từ truyền thuyết của họ. Người Maori từng kể lại rằng, ban đầu loài dương xỉ bạc chỉ sinh sống trong nước, sau đó chúng di chuyển lên bờ và sống trong rừng. Mục đích là để dẫn đường cho người Maori. Trong rừng rậm tăm tối, các chiến binh và thợ săn Maori nhờ vào ánh sáng bạc của lá cây dương xỉ mà tìm đường về nhà.
Ý nghĩa của biểu tượng cây dương xỉ bạc
Do đặc điểm sinh học của loài dương xỉ bạc cùng những điều kì diệu được ghi nhận từ truyền thuyết mà loài thực vật này trở thành biểu tượng cho đất nước và con người New Zealand – biểu hiện của danh dự và tinh thần quật cường, vượt khó của người dân xứ sở này.
Biểu tượng chiếc lá dương xỉ bác
Dù không phải là biểu tượng chính thức nhưng hình ảnh chiếc lá dương xỉ bạc luôn đóng vai trò quan trọng đối với người New Zealand. Do vậy, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh biểu tượng chiếc lá dương xỉ tại New Zealand, đặc biệt là trên Quốc huy của đất nước này. Dương xỉ bạc cũng được dùng làm biểu tượng của đội bóng bầu dục quốc gia New Zealand kể từ năm 1880 và là biểu tượng của nhiều công ty hàng đầu New Zealand.
Chim Kiwi
Ngoài dương xỉ bạc, người dân New Zealand cũng đặc biệt dành nhiều tình cảm đối với Kiwi – loài chim chỉ sinh sống ở một nơi duy nhất trên thế giới đó chính là đảo quốc New Zealand. Tên gọi Kiwi xuất phát từ tiếng kêu “kiwi” của nó.
Chim Kiwi
Đây là loài còn sót lại của một bộ chim cổ, Kiwi là loài chim nhỏ nhất thuộc bộ Đà điểu, một người họ hàng với Đà điểu Emu ở Úc. Thuộc bộ chim, nhưng hình dạng của Kiwi lại vô cùng đặc biệt. Kiwi to bằng con gà, hình dạng như quả lê, không có lông cánh cũng chẳng có lông đuôi, nặng 2 – 3kg. Chúng có cái mỏ nhọn và dài, khi nghỉ, chiếc mỏ trở thành chân thứ 3 để giữ thân cho vững. Do hình thù như vậy nên Kiwi không thể bay được, bù lại, chúng có đôi chân khỏe giúp chúng chạy nhanh với tốc độ khoảng 16 km/h dù đôi chân này tương đối ngắn. Chưa kể lúc nổi giận, chúng có thể đá bật một con chim đồng loại ra xa đến 2,5m.
Mặc dù có bộ dạng vụng về, chim kiwi lại chạy được nhanh hơn người và đã đấu tranh để tồn tại nhờ tính cảnh giác và bàn chân có ba ngón sắc nhọn. Kiwi là loài ăn đêm vì thế mắt chúng nhỏ và tối, bù lại chúng có một khứu giác tuyệt vời, được đánh giá là thính hơn cả mũi chó. Thức ăn chính của Kiwi là giun đất. Lỗ mũi ở ngay trên đầu nhọn của mỏ, chức năng ngửi rất kỳ lạ, có thể phát hiện con sâu nhỏ ở dưới lớp đất đến 30 cm. Khi kiếm ăn, nó đưa mút mỏ sát mặt đất để dò tìm, chỉ hơi thoáng có làn gió nhẹ là Kiwi đã có thể hướng ngay về phía có giun mà không hề để ý đến hướng khác.
Hình ảnh chim Kiwi trên đồng tiền
Kiwi dành được nhiều tình cảm và là niềm tự hào của New Zealand. Nếu nghe một người dân xứ sở này nói rằng “Tôi là chim Kiwi”, bạn cũng đừng ngạc nhiên nhé, họ đang muốn tự giới thiệu với bạn rằng “Tôi là người New Zealand”.
Hình ảnh tượng trưng chim Kiwi
Chim Kiwi chính thức xuất hiện như một biểu tượng đầu tiên vào cuối thế kỷ 19 trên phù hiệu Trung đoàn của New Zealand. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, binh lính New Zealand được gọi là Kiwi. Những người lính Kiwi này đã khắc một con kiwi khổng lồ trên một ngọn đồi phấn thuộc trại lính Sling ở Anh. Chim kiwi từ đó đã trở thành biểu tượng quốc gia nổi tiếng nhất của New Zealand, ngày nay chú chim xuất hiện rất nổi bật trên rất nhiều huy hiệu và phù hiệu của các thành phố, câu lạc bộ và tổ chức ở New Zealand.